Không tìm thấy kết quả nào

    Bạn trade luôn thua - nguyên nhân do đâu?

    Bạn trade luôn thua - nguyên nhân do đâu?
    💁 Những lí do khiến hầu hết các nhà giao dịch forex thất bại.
        Tại sao giao dịch Forex chỉ có lệnh mua hoặc bán mà nhiều người thua đến vậy? Nếu bạn đã đọc cuốn sách “Thị trường ngoại hối” của tác giả Ed Ponsi thì hẳn bạn đã từng nghe câu này: “Việc dành thời gian để học cách kinh doanh trên thị trường Forex có thể sẽ là một quyết định kinh doanh sáng suốt nhất mà bạn từng có trong cuộc đời.”
        Xét một cách lạc quan thì đúng là như thế. Nhưng thị trường Forex không có màu hồng dành cho những kẻ mộng mơ, tôi buộc phải nói với bạn rằng: Con đường trở thành một nhà giao dịch Forex thành công là một trong những hành trình khó khăn nhất mà bạn từng theo đuổi. Nếu bạn đã giao dịch Forex một thời gian đủ dài, bạn sẽ đồng ý với tôi điều đó. Có không ít người đổ lỗi sự thất bại của mình cho nhà cái, cho các sàn môi giới hoặc đổ lỗi cho các điều kiện ngoại cảnh.
        Một khi bạn còn giữ những tư tưởng đó, bạn không bao giờ có thể có thể trở thành một nhà giao dịch Forex thành công. Bởi những vấn đề tồn tại trong chính bản thân mỗi người mới là những nguyên nhân lớn nhất của sự thất bại. Hay nói một cách hoa mỹ, kẻ thù lớn nhất của bạn chính là bản thân bạn.
    Bạn có kiến thức? Chưa đủ.
    Bạn có kinh nghiệm giao dịch? Vẫn chưa đủ.
    Bạn phải có cả kỹ năng kiểm soát được cảm xúc của mình.
        Nếu bạn thực sự muốn thành công trong thị trường ngoại hối, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn và cả thất bại. Sau đây, chúng ta sẽ nói về những nguyên nhân khiến cho hầu hết các nhà giao dịch thất bại trong giao dịch Forex.

    📌 1. THIẾU SỰ KỶ LUẬT
        Bạn có một hệ thống giao dịch tốt, bạn có những kế hoạch giao dịch hợp lý nhưng chúng chẳng có nghĩa lý gì khi bạn không có sự kỷ luật trong giao dịch. Bạn càng ít đi sự kỷ luật bao nhiêu thì cảm xúc giao dịch của bạn càng lấn át bấy nhiêu, đó là nguyên nhân chính khiến bạn dần dần mất kiểm soát, những giao dịch ngày càng đi xa với kế hoạch và bào mòn dần số tiền trong tài khoản của bạn cho đến hết. Bạn có thấy quen với hình ảnh này không:
        Một con bạc ngồi vào bàn cá độ, anh ta khởi đầu tuyệt vời với một loạt những ván ăn liên tiếp, ví tiền anh ta dày lên đáng kể cho đến khi anh ta bắt đầu gặp những ván thua và rồi quyết định đặt cược tất cả số tiền mà anh ta đã thắng được. Cuối cùng, anh ta rời khỏi bàn với một ví tiền rỗng tuếch. Giao dịch Forex mà không có sự kỷ luật cũng tương tự như vậy. Bạn hãy nghĩ rằng việc giao dịch giống như việc bạn quản lý một doanh nghiệp, mọi hành động đều phải được kiểm soát và lên kế hoạch từ trước, tuyệt đối không phải là một trò cờ bạc.

    📌 2. THIẾU QUẢN LÝ RỦI RO
        Quản lý rủi ro là để bảo vệ số tiền của bạn. Như Warren Buffett đã từng nói về triết lý đầu tư của mình: 
    “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.
    Nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1.”
        Nói như thế để thấy được sự quan trọng của việc quản lý rủi ro như thế nào. Việc ưu tiên trên hết của bạn không phải là kiếm lợi nhuận, mà là phải bảo vệ những gì bạn có. Mọi cơ hội đều từ chối bạn khi bạn hết sạch vốn.
        Trong giao dịch Forex, cách để bạn luôn kiểm soát được rủi ro cho tài khoản của mình là sử dụng Stop loss, bạn luôn phải sử dụng Stop loss một cách hợp lý và có kế hoạch. Đừng nghe bất kỳ ai khuyên bạn rằng “không sử dụng Stop loss để tránh việc các sàn giao dịch săn Stop loss của bạn”. Điều đó thật nhảm nhí, bạn hoàn toàn có thể tìm cho mình những sàn giao dịch uy tín để yên tâm giao dịch, các sàn giao dịch đó sẽ không có bất kỳ sự xung đột lợi ích nào với bạn khi bạn dành chiến thắng, do đó, họ chẳng có lý do gì để săn Stop loss của bạn cả. Việc luôn sử dụng Stop loss một cách kỷ luật sẽ giúp bạn tránh được một trong những yếu tố tâm lý nguy hiểm nhất đối với sự thành công của một nhà giao dịch Forex, đó là “gồng lỗ”.
        Hẳn bạn không còn lạ gì với hình ảnh một trader vào lệnh, để đó, không hề có Stop loss và mặc cho thị trường chạy thế nào thì chạy, chỉ đến khi giao dịch có lời họ sẽ chốt. Việc gồng lỗ có thể nói là một trong những vấn đề phổ biến nhất của các nhà giao dịch. Và thật buồn cười, đó dường như là một tài năng thiên bẩm của hầu hết những nhà giao dịch Forex mới, tất nhiên, có cả tôi (đã từng như thế).
        Tôi còn nhớ, có một lần giao dịch Vàng, tôi thực hiện lệnh BUY, đặt Stop loss đàng hoàng, đầy đủ như cách một nhà giao dịch thành công phải thế. Nhưng rồi Vàng không đi như tôi mong muốn, nó quay ngược lại và lao về phía Stop loss mà tôi đã đặt. Chỉ với vài giây phân vân, tôi quyết định dời Stop loss xuống một chút, với suy nghĩ rằng nó sẽ sớm lên thôi. Hẳn bạn cũng đoán được (hoặc bạn cũng gặp rồi), Vàng “lỳ lợm” hơn tôi nghĩ, nó không quay lên mà vẫn tiếp tục lao xuống, tôi dời Stop loss thêm một lần nữa.
        Đến lần thứ 3, tôi quyết định…bỏ luôn Stop loss cho  đỡ sợ. Và khi Vàng đã đi xuống quá xa so với điểm Stop loss ban đầu của mình thì tôi chỉ còn biết hy vọng và nói câu giá như. Hy vọng nó sẽ quay lên, được từng nào hay từng đó. Và giá như tôi đã để nguyên Stop loss như ban đầu. Kết quả của lần giao dịch đó là một Stop out với âm hơn 550 pip.
        Một lần cháy tài khoản nhớ đời, nhưng…không phải là duy nhất (thật xấu hổ khi phải thừa nhận như vậy). Mr.Market luôn sẵn sàng nói cho bạn biết ngài không sai, người sai chỉ có thể là bạn, và tuyệt đối đừng bao giờ lỳ lợm chống lại thị trường.

    📌 3. THIẾU KIÊN NHẪN
        Đây là một vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ có riêng một bài viết dành cho nó: Tại sao cần phải có sự kiên nhẫn trong giao dịch Forex.
        Trong thời đại 4.0 như hiện nay, khi mà mọi thứ đều diễn ra rất nhanh, nhịp sống của chúng ta cũng trở nên vội vã hơn, thậm chí chỉ cần lướt lướt những ngón tay là có thể cập nhật tình hình mọi nơi trên thế giới. Điều đó khiến cho chúng ta dường như càng bớt đi sự kiên nhẫn cho việc chờ đợi, dường như chúng ta luôn muốn hành động ngay và biết được kết quả ngay sau đó.
        Hầu hết mọi người đều thiếu kiên nhẫn. Điều đó thật tệ, nhất là đối với chúng ta – những nhà giao dịch Forex. Bạn có một hệ thống giao dịch đủ tốt, bạn có một list những yêu cầu cho một quyết định vào lệnh, nhưng thật tiếc khi bạn không đủ kiên nhẫn để chờ đến khi điều kiện thị trường thỏa mãn những yêu cầu đó.

    💡 BẠN CÓ NHÌN THẤY CHÍNH MÌNH TRONG NHỮNG HÌNH ẢNH SAU KHÔNG:
        ✔ 1. Giao dịch của bạn đang có lãi, nhưng bạn sợ mình sẽ đánh mất số lãi đang có, thay vì chờ đến target thì bạn quyết định đóng lệnh luôn và lấy về khoản lợi nhuận đó. Điều này nhìn thì có vẻ như không phải vấn đề gì to lớn, nhưng thực chất nó ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giao dịch của bạn trong dài hạn.
        Bởi, khi bạn cắt lệnh sớm không theo kế hoạch, đồng nghĩa với tỷ lệ Risk:Reward mà bạn đặt ra cũng bị thay đổi theo. Nếu điều này là bắt buộc khi bạn cảm thấy diễn biến thị trường trở nên bất lợi thì hoàn toàn chấp nhận được, tuy nhiên bạn vẫn cần hạn chế ít nhất có thể việc thay đổi kế hoạch giao dịch của mình.
        ✔ 2. Tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out)
        Bạn sợ mình bỏ lỡ mất cơ hội, bạn cảm thấy diễn biến thị trường đang quá đẹp và chẳng cần thiết phải chờ thỏa mãn đủ những yêu cầu vào lệnh nữa. Bạn quyết định nhảy vào. Rất nhanh sau đó bạn nhận ra, thị trường đã cho bạn một tín hiệu giả, khiến bạn nóng vội và nhận về một lệnh thua vô cùng đáng tiếc mà lẽ ra, chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn, bạn sẽ tránh được.
        Ví dụ: Bạn đang chờ một giao dịch break out khi nhận thấy nến D1 của EUR/USD đã lao ra ngoài vùng kháng cự mà bạn đã vạch ra từ trước và thiết lập nên một mô hình quen thuộc với bạn. Bạn quyết định vào lệnh ngay mà không chờ EUR/USD đóng nến. Cuối cùng nến D1 đã thu chân về dưới vùng kháng cự rất sâu và đó hoàn toàn khác với một thiết lập mà bạn đã kỳ vọng.
        ✔ 3. Giao dịch của bạn đang lỗ, tuy nhiên bạn đã cài Stop loss đầy đủ và lường trước cho sự mất mát của mình.
    Nhưng vì ngay trước đó bạn cũng vừa bị một lệnh Stop loss, khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin và nghĩ khả năng cao lệnh này sẽ tiếp tục dính Stop loss. Vì vậy bạn quyết định đóng lệnh sớm trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn. Rất nhanh sau đó, bạn đã thấy sự sai lầm khi không để cho Stop loss được làm nhiệm vụ của nó. Sau khi bạn đóng lệnh, thị trường đã đảo chiều và đi đúng với hướng giao dịch của bạn.
        Thay vì có một chiến thắng, bạn đã phải nhận một lệnh thua chỉ vì bạn thiếu sự kiên nhẫn, không tin tưởng vào hệ thống giao dịch của mình. Bạn hãy nhớ rằng: Giao dịch không phải là thứ mang đến lợi nhuận cho bạn. Thứ mang đến lợi nhuận cho bạn là sự chờ đợi.
        Với thực tế hầu hết mọi người đều thiếu sự kiên nhẫn, việc rèn luyện được nó là điều tiên quyết khiến cho bạn trở nên khác biệt với phần còn lại và đảm bảo giúp cho bạn thành công. Việc bạn có một kế hoạch giao dịch hợp lý và sự kiên nhẫn để thực hiện kế hoạch đó một cách nhất quán sẽ giúp bạn có thể kiểm soát được nỗi sợ hãi và cảm xúc để mang về kết quả giao dịch tốt nhất cho bản thân mình.

    📌 4. LÒNG THAM
        Tất nhiên, chúng ta là con người và tất cả chúng ta đều có những lòng tham khác nhau, dù nhiều hay ít. Rất nhiều người tìm đến thị trường Forex với tâm lý muốn kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng, tôi thừa nhận rằng mình cũng từng có suy nghĩ sai lầm như vậy. Không có gì là sai khi bạn tham lam, nói một cách lạc quan, sự tham lam đôi khi sẽ là nguồn động lực giúp cho bạn quyết tâm làm việc.
        Nhưng, bạn cần phải kiểm soát được nó, nếu không, lòng tham sẽ chỉ gây hại cho chính bạn. Vào những năm 2007-2008, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra. Đóng góp cho sự khủng hoảng này chính là lòng tham của các ngân hàng hay các tập đoàn bất động sản… Họ sẵn sàng cho vay thế chấp đối với những người không có khả năng thanh toán, những người có điểm tín dụng thấp và khả năng vỡ nợ rất cao. Chính lòng tham là thứ đã khiến các công ty này chấp nhận rủi ro lớn như vậy.
        Điều đó cũng tương tự đối với những nhà giao dịch Forex như chúng ta, nếu để lòng tham kiểm soát, bạn cũng sẽ khiến mình phải chịu những rủi ro như thế. Bạn sẽ coi thị trường Forex như một mỏ vàng để bạn làm giàu nhanh chóng. Bạn thậm chí sẽ nhảy vào thị trường ngay cả khi bạn chưa hiểu rõ mình phải làm gì. Khi lòng tham trở nên quá mức, tâm trí bạn sẽ chẳng còn bận tâm về những hậu quả mà có thể mình sẽ phải gánh chịu nữa.

    📌 5. SỰ TỰ TIN VÀ HÀO HỨNG LẤN ÁT
        Tôi đã có những thời điểm giao dịch dành chiến thắng liên tiếp. Chuỗi lệnh thắng và cảm giác chiến thắng dễ dàng khiến cho tôi nghĩ dường như mình đã tìm ra chén thánh, tìm ra công thức làm giàu thực sự trên thị trường ngoại hối này. Chắc bạn cũng đã từng có những thời điểm đó, thời điểm mà bạn cứ vào lệnh là thắng.
        Lúc đó, sự phấn khích và tự tin khiến tôi vào lệnh càng nhiều hơn với khối lượng càng lớn hơn. Và đó là lúc tôi rơi vào tận cùng thất bại. Tôi gặp những lệnh thua liên tiếp, càng thua càng vào lớn hơn và kết quả cuối cùng thì mọi người cũng đều đoán được. Đừng để điều đó xảy ra! Sự tự tin và cảm giác phấn khích rất dễ nảy sinh sau khi bạn dành được những khoản lợi nhuận lớn hay dành được những lệnh thắng liên tiếp.
        Bạn hãy nhớ, sự thành công của bạn trên thị trường Forex được xác định trong một thời gian dài với sự tuân thủ kỷ luật và những kế hoạch giao dịch của bạn. Chẳng có nghĩa lý gì khi bạn kiếm được nhiều tiền và rồi để mất ngay sau đó cả. Sự tự tin là cần thiết, tự tin vào kế hoạch giao dịch của mình, tự tin vào hệ thống giao dịch của mình. Nhưng một khi bạn trở nên quá tự tin, đó là lúc sự nguy hiểm bắt đầu. Bạn chẳng thèm rút lợi nhuận của mình ra để bảo toàn chúng, bạn cũng chẳng còn quan tâm đến việc bảo vệ rủi ro, bởi vì bạn tin mình sẽ tiếp tục giành chiến thắng. Đó thực sự là những sai lầm nghiêm trọng.

    📌 6. MỤC TIÊU LỢI NHUẬN KHÔNG THỰC TẾ
        Đây cũng là một trong những lý do phổ biến khiến các nhà giao dịch Forex thất bại. Lợi nhuận kiếm được trên thị trường ngoại hối phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nó phụ thuộc vào số vốn bạn có, phụ thuộc vào cách bạn tiếp cận thị trường và phụ thuộc vào cách bạn giao dịch…
        Nhưng dù bằng cách nào đi chăng nữa, dù với số vốn bao nhiêu đi chăng nữa thì thị trường Forex tuyệt đối không phải là nơi giúp bạn làm giàu nhanh chóng. Bạn đã từng muốn mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền khi tham gia thị trường Forex? Hãy tin rằng Forex là một lựa chọn nghề nghiệp mà bạn đã chọn ra trong hàng bao nhiêu nghề nghiệp khác. Bạn cần học tập 4-5 năm để trở thành một cử nhân hay một kỹ sư. Bạn thậm chí còn cần nhiều thời gian hơn thế để trở thành một bác sĩ. Rồi sau đó là những quãng thời gian để bạn mài giũa tay nghề, mài giữa kỹ năng để trở thành những người xuất sắc, những người thành công trong xã hội.
        Vì vậy, đừng bao giờ để những lời mời chào, những tư tưởng kiếm tiền nhanh chóng của bất cứ ai chui vào trong suy nghĩ của bạn. Kiếm tiền chưa bao giờ là điều dễ dàng ở bất kỳ lĩnh vực nào (tất nhiên là lĩnh vực hợp pháp). Đặc biệt là với thị trường ngoại hối, một trong những thị trường tài chính khắc nghiệt nhất hiện nay. Hành trình trở thành một nhà giao dịch thành công không phải là một cuộc đua nước rút, nó là một cuộc đua đường dài đòi hỏi bạn phải luôn luôn nỗ lực, làm chủ bản thân. Việc đặt ra những mục tiêu lợi nhuận hợp lý giúp bạn không bị chệch đi trên hành trình đó.

    📌 7. THIẾU KIẾN THỨC
        Quản lý tài khoản giao dịch Forex của bạn như việc quản lý một doanh nghiệp. Bạn cần xây dựng kế hoạch, phát triển kế hoạch trở nên hoàn thiện và thực hiện mọi thứ theo kế hoạch đó. Bạn hãy luôn học hỏi, trau dồi bổ sung thêm kiến thức để ngày càng hoàn thiện bản thân mình, tránh mắc phải những sai lầm giao dịch không đáng có. Chúng tôi có những bài chia sẻ, và nhiều tài liệu cung cấp cho các bạn những kiến thức từ cơ bản cho đến nâng cao, tất nhiên mọi thứ đều miễn phí.
    ĐỪNG BAO GIỜ NGỪNG HỌC HỎI.

    🆘 LỜI CUỐI CÙNG.
        Không bao giờ có câu trả lời duy nhất hay chính xác nhất cho việc tại sao hầu hết các nhà giao dịch Forex đều thất bại. Trên đây là những lý do mà tôi đúc rút ra từ quá trình học hỏi và những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong suốt quãng thời gian kể từ khi bước chân vào thị trường Forex. Còn bạn?
        Bạn hãy tìm ra những vấn đề của bản thân mình và sau đó tìm cách giải quyết nó. Không ai khác ngoài bạn có thể giúp bạn làm điều đó. Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích hay có bất kỳ cảm nhận và góp ý gì, xin vui lòng comment ở bên dưới.
    Nếu có bất cứ câu hỏi nào, đừng ngần ngại. Chúng tôi luôn sẵn lòng lắng nghe và trả lời những thắc mắc của các bạn.

    Nguồn: Healer

    Đăng nhận xét

    Mới hơn Cũ hơn

    نموذج الاتصال